Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

ANH-EM,ÔNG -BÀ

BỐN CON SỐ I

            Vào những năm 60 của Thế Kỷ trước khi tổ chức lễ Thành hôn hoặc đi đăng ký kết hôn chúng ta ít ai để ý xem ngày, xem tuổi để trách những ngày xấu. Bởi lúc bấy giờ mọi việc đều phải làm vào ngày nghỉ lễ hoặc là ngày chủ nhật vì những ngày đó máy bay Mỹ mới ngừng bắn và mọi người mới có thể vui vẻ được . Chúng tôi cũng trong tình cảnh đó, hai đứa định ngày cưới vào tối 24 tháng 12 là ngày Nô-en nên phải đi đăng ký kết hôn trước đó, chẳng biết thế nào mà khi cầm tờ giấy kết hôn tại UBND Hoàn Kiếm nhìn vào toàn những con số 1 ,đó là ngày 11-11-1967.
Trong cuộc sống vợ chồng không phải là tất cả song có lẽ tới 90% là có lúc cũng giận hờn,có lúc cũng to tiếng. Như “ông xã” nhà tôi nói:Chẳng họ hàng gì, chẳng quen biết gì,đến với nhau, ở với nhau gần 50 năm thật sự có bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ! Nhìn vào những con số 1 là mở đầu cho những năm tháng đó.Vậy xin có mấy câu thơ:

                                    ANH- EM, ÔNG-BÀ
                       
                        Trước đây Anh vẫn gọi Em
                        Từ ngày có cháu Ông quen gọi Bà
                        Ông- Bà tiếng gọi cả nhà
                        Anh- Em là của riêng Ta với Mình
                        Sao anh quên được mối tình
                        Anh trao Em nhận chúng mình bên nhau
                        Giờ đây tóc đã đổi mầu
                        Mà tình yêu đã gắn sâu trong lòng
                        Nếu ông trời có bất công
                        Xa Em ,Anh vẫn mang tình Em theo.

            Trong cuộc sống đôi lứa mỗi người có cảm nghĩ và những mong muốn về người bạn đời của mình khác nhau.Xin đăng một bài thơ vui của ông chồng mong vợ mình như sau:
                       
                                                VỢ TỐT

                                                           
                                    Phải đẹp gái                                         
                                    Không kiêu sa
                                    Thích ở nhà
                                    Lo nội trợ
                                    Không cắc cớ
                                    Chửi chồng con
                                    Không phấn son
                                    Không nhiều chuyện
                                    Không hà tiện
                                    Không càm ràm
                                    Phải siêng năng
                                    Không lười biếng
                                    Nói nhỏ tiếng
                                    Biết chiều chồng
                                    Giỏi nữ công
                                    Và gia chánh
                                    Biết dạy con
                                    Ứng xử tốt
                                    Không quá dốt
                                    Không quá khôn
                                    Không ôm đồm
                                    Không ủy mỵ
                                    Không thiên vị
                                    Không cầu kỳ
                                    Không quá phì
                                    Không quá ốm
                                    Không dị hợm
                                    Không chanh chua
                                    Không se sua
                                    Không bẻm mép
                                    Không bép sép
                                    Không phàn nàn
                                    Không có đâu…Đừng có!
                                   
                                      
                   

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

ÔSIN...Tâm sự của Phụ Nữ nhân ngày 20-10

Mỗi ngày tám tiếng như anh.
Chiều về em bỗng hóa thành "ÔSin"
Cái tên nghe mãi cũng quen.
Còn hơn hai tiếng "con sen" cục cằn.
5 giờ đi chợ nấu ăn.
6 giờ bát đũa cơm canh trên bàn.
Anh nghe thời sự đàng hoàng
Em thì một đống áo quần giặt phơi
Anh ngồi hút thuốc thảnh thơi
Còn em một đống xoong nồi kiến bầu
Anh lên đọc sách trên lầu
Em thì lau mấy tầng lầu bẩn dơ
Con đau em chạy tướt bơ
Anh đau em biết lấy ai dãi bầy
Múi chanh anh vắt vài giây
Còn em anh vắt cả ngày lẫn đêm
Cơm xong chưa kịp lên đèn
Đã nghe anh ở cạnh bên vật nài
Xấu chồng thì biết hổ ai
Thôi đành phó mặc một vài trống canh
Bơ phờ sáng dậy phong phanh
Vội lo bữa sáng cho anh đi làm
Ăn xong anh hỏi "Nữ hoàng"
Cái hộp tăm ở trên bàn đâu em ?

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

MẸ LÀ GÌ ? MẸ LÀ AI ?

Nhân ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam có một người bạn tặng mình một bài thơ của tác giả Bách Nguyên,mình đọc thấy hay và có nhiều điểm giống các bà già trong đó có mình .Vậy xin đăng để các cụ bà xem và tự liên hệ xem có đúng với mình không nhé.
                           MẸ LÀ GÌ ? MẸ LÀ AI ?
            Mẹ là bếp lửa đêm đông
    Mẹ là người ở không công suốt đời
           Khi gần gũi,lúc xa xôi
   Già nua như chiếc lá rơi cuối vườn
           Là thời tiết thay đổi luôn
   Khi vui như nắng, khi buồn như mưa
           Là hoa nở khắp bốn mùa
   Là quả khi ngọt khi chua mới dài
           Mẹ là người chẳng giống ai
   Ăn ít ngủ ít nhớ dai nhất nhà
          Ngày nghỉ con cháu đi xa
   Mẹ là bảo vệ giữ nhà cho con
          Là máy giặt chạy bằng cơm
   Là thùng nước gạo ,thu gom đồ thừa
          Là người cả nghĩ hay lo
   Chỗ ướt Mẹ nhận, chỗ khô Mẹ nhường
          Mẹ là vại muối, vại tương
   Gạo,nước,thịt, cá,mắm, đường, điện ,gas
          Là hiếu,là hỷ gần xa
   Ngược xuôi trăm thứ việc nhà bủa vây
          Bảo tàng đồ cổ đông tây
   Mẹ là giám đốc một tay giữ gìn
          Làm thì toàn việc không tên
   Ăn thì xương xẩu, chẳng nhường phần ai
          Thủ quỹ thụt két dài dài.....
   Chi tiêu chẳng có biên lai chứng từ
          Là tài khoản chẳng số dư
   Xoay tròn như cái đèn cù quanh năm
          Khi yêu mềm mịn như bông
   Khi giận nhọn sắc như chông, như trà
          Mỗi khi trời nổi phong ba
Lệnh ông còn kém lệnh bà vài phân
          Vừa là tướng,vừa là quân
   Ti vi đời cũ,công nông đời đầu
          Tivi rè tiếng mất mầu
   Công nông đời đầu hỏng hóc khó thay
          Là hàng mất giá hàng ngày
   Lù lù như cái cối xay giữa nhà
          Đường đường là một quản gia
   Cháu hư cũng đổ cho bà tiếng oan
          Con mà quậy phá không ngoan
   Quy ngay con dại cái mang tội tình
           Chồng con sự nghiệp công thành
   May ra Mẹ có chút danh với đời
           Ngẫm ra muôn sự tại trời
   Giao nhiều thiên chức một đời khó qua
           Mẹ là ai ?Mẹ là ta
   Ngọt ngào chia hết ,xót xa nhận về
           Uy quyền nhiều lúc cũng ghê
   Đến khi thất sủng khó bề nói hay
           Là người giữ lửa đêm ngày
   Lửa to hỏa hoạn ,lắt lay lụi tàn
           Là chánh án,là bị can
   Một lời không chuẩn cũng tan cửa nhà
           Mẹ là gì ?Mẹ là ta
   Mẹ là lãnh đạo, Mẹ là nhân dân
           Cháu con đi xa về gần
   Mẹ là cái bến yên bình,yêu thương
           Là phép trừ của túi tiền
   Phép chia của những ưu phiền đắng cay
           Phép cộng mơ ước xa bay
   Phép nhân hạnh phúc trao tay từng người
           Mẹ là đơn giản thế thôi
   Có bốn phép tính suốt đời không xong
           Nói ra lại bảo kể công
   Nếu không có Mẹ ,con không có gì
           Chẳng quan trọng ,chẳng là chi
   Nếu không có Mẹ, cái gì cũng không.

Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

TẢN MẠN về hai từ “HÂM VÀ HẤP”


     Chồng tôi là người HÀTĨNH  miền trung Việt nam-cái miền mà người ta hay gọi là dân “Cá gỗ”
               Đặc điểm của dân trong đó là hay nói ngang ngang. Có lần tôi than với ông bạn đồng môn Phan Đình Phùng của chồng tôi là: “Làm sao mà cái ông chồng tôi ,ông ấy ngang thế!” Tưởng được ông bạn chia sẻ gì,thì ông ấy lại bảo: “Chị thông cảm, dân trong tôi cứ hay nói ngang ngang như vậy ,nên các cụ mới có câu “ Ngang như ông đồ xứ Nghệ!”.  Tôi chưa kịp nói gì thì ông ấy lại nói  thêm “Đến Bác Hồ đôi khi cũng ngang nữa cơ mà!”
    Đôi lúc tức với ông xã quá tôi liền bảo:
    - “ Sao mà anh hâm thế!” ông ấy đáp lại ngay: Này nhé trời rét thế này mà ăn cơm nguội,canh nguội thì nuốt thế nào được,phải Hâm lên cho nóng chứ. Con người ta cũng vậy, khi thấy tình cảm nguội lạnh đi cũng phải Hâm nóng lên cho nó dạt rào bốc lửa chứ”       Nghe ông ấy trả lời mình bực quá đánh luôn câu: “rõ hấp” Ông ấy cũng chẳng chịu im mà còn giải thích “ :Trong chế biến thực phẩm có nấu, luộc,rang, kho và hấp thì món hấp là ngon nhất đấy nhé, vì không mất đi cái gì cả ,do vậy người hấp cũng là người tinh túy nhất đấy .Đúng không?” Thấy ông ấy nói vậy thì mình vừa buồn cười lại vừa thấy ông này có tài chống chế và đành “ Bó tay.com!   Đấy là lý sự của các ông gàn về hâm và hấp
               Nghe nói: Có vợ một anh dân Quế Lâm nói với chồng là “: Không biết Quế Lâm nó cho các ông ăn cái gì mà ông hâm thế!” Mới nghe thấy cũng hơi nóng mặt nhưng nghĩ lại thì cũng thấy dân QL mình hâm thật, mà cái hâm ấy thật là đáng yêu!
     Con người ta ai sống lâu thì trên dưới 90 tuổi,ít cũng 60,70 tuổi, có thời gian làm việc với nam là 60 tuổi thì nghỉ hưu,còn nữ thì 55 tuổi.Trong quãng thời gian ấy bé thì ở nhà với cha mẹ,  10 năm học phổ thông,5 năm học đại học và trên 30 năm công tác
      .Chúng ta chỉ sống cùng nhau ở Quế Lâm có 5,6 năm thôi mà sao thân thiết thế. Hễ cứ gặp nhau là tranh nhau nói, ầm ĩ như cháy nhà, xưng hô thì “cậu cậu ,tớ tớ”. Hễ bạn có truyện gì xảy ra là thông báo cho cả hội đến thăm. Trong khi đó thời gian công tác trên 30 năm với các đồng nghiệp lại ít có tình cảm như vậy.
        Các ông chồng ,bà vợ của dân QL phải giỏi chịu đựng, phải chịu khó đi sâu tìm hiểu thì mới hiểu nổi dân Quế Lâm “ hâm”  là như thế nào?.Chị Hòa vợ của Hoàng Ngà nói với tôi là “Anh Hoàng Ngà khó tính lắm, ai rủ đi chơi chẳng chịu đi đâu bao giờ, kể cả cơ quan cũ, nhưng hễ hội Quế Lâm gọi là hưởng ứng đi ngay. Quả thực đi với các anh, các chị em thấy tình cảm quá,chẳng thấy lạc lõng gì mà cứ như người nhà vậy!” .
    Cũng có những bà vợ lúc đầu không thích cho chồng đi tụ tập với dân QL, nhưng một vài lần đi chơi cùng bọn mình thấy vui quá,tình cảm quá nên cứ gắn kết mãi .Có nhiều chị dù “Đức lang quân” đã về thế giới bên kia nhưng vẫn gắn kết thân thiết với Quế Lâm và là những dâu hiền của “culờ” đấy như : Hà( Đặng Việt Thường),Trân (Mai Tâm) Thu( Văn Vũ),Dung( Phan Trí Vân),Thanh(Trần Lương), Trường(Bùi Công Sương),Hòa( Hoàng Ngà) Dần(Chiến Thắng) …v…v…
      Trong các “Phu quân” của “Culờ” như Anh Nghinh(Gương), Anh Thuận(Ngân) và AnhThành(Thủy) cũng rất gắn bó với Quế Lâm. Mỗi lần dân Quế Lâm gặp nhau là các ông ấy hưởng ứng nhiệt tình hòa đồng như chúng ta vậy.Vì vậy hãy hiểu cho đúng hai từ Hâm và Hấp của dân “Culờ” cho đúng nghĩa!!!

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

TÌNH QUẾ LÂM TRONG CÁC THẾ HỆ (bài gửi ban biên tập K5)

Tôi cũng chẳng nhớ  một cách chính xác là trong hoàn cảnh nào và vào năm nào mà tôi, Tuyết Minh, Nữ Hiếu lại nhận nhau là chị em, chỉ còn nhớ hồi học ở Quế Lâm Hiếu là một cô bé rất đáng yêu, mẹ Hiếu viết thư sang, Hiếu hay cho chúng tôi đọc, trong lá thư nào bà cũng nhắc câu “con gái bé bỏng của mẹ”. Tôi được biết hồi còn nhỏ Hiếu bị bệnh lao xương nên chân yếu phải bó bột nhiều năm và phải có sự chăm sóc của mẹ, nên đi xa nhà thế này bà rất lo cho Hiếu. Đọc những lá thư của bà gửi  thấy thương Hiếu, đôi lần bà cũng viết thư cho tôi và Tuyết Minh vì biết chúng tôi thân với Hiếu, nhắc nhở chúng tôi phải đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi kết nghĩa chị em với Hiếu, chăm sóc Hiếu như đứa em gái của mình.
Trong 3 chúng tôi Tuyết Minh nhiều tuổi hơn cả, nhưng Minh và tôi lại đồng hương, hai gia đình quen nhau từ trước nên chúng tôi là bạn, chỉ có cô em Nữ Hiếu là bé bỏng hơn cả nên là em, thế là từ đó chúng tôi coi nhau như chị em, có niềm vui nỗi buồn gì cùng chia sẻ với nhau.
Học hết lớp 7, Trường Quế Lâm cho chúng tôi về Việt Nam thăm gia đình, bố mẹ Hiếu giữ Hiếu ở lại nhà, tôi và Tuyết Minh về Nam Ninh học lớp 8. Tuy nhận nhau là chị em như vậy, vẫn còn có chút e ngại, đôi khi giấu giếm tình cảm của mình.
Năm 1958 trở về Việt nam, chúng tôi mỗi đứa một nơi, tôi và Nữ Hiếu ở Hà Nội, nhưng hai trường khác nhau, tôi học trường Chu Văn An, Hiếu học trường Trưng Vương, còn Minh về Phú Thọ học trường Hùng Vương.
Học xong Phổ thông, tôi và Minh được gọi đi học Nga văn để đi Liên Xô học Đại học, Hiếu không đi vì nhà đã có chị đi rồi, một lần nữa chúng tôi lại xa nhau. Sang Liên Xô tôi học ở Mascova, Minh học ở Leningrat, chúng tôi luôn viết thư cho nhau, nhưng thời đó thư từ khó khăn lắm, cứ sau 15 ngày gửi đi mới nhân được, như vậy cả tháng sau mới có phản hồi.

Sau khi tốt nghiệp đại học tôi về Hà nội làm việc tại Xí Nghiệp Bánh kẹo Hải Châu, thỉnh thoảng tôi đến thăm gia đình Hiếu. Tôi không kể về Tuyết Minh vì chúng tôi là bạn thân, hai gia đình đều coi chúng tôi là con rồi, hơn nữa Tuyết Minh công tác tại Hải Phòng ít có điều kiện gần gũi chăm sóc nhau. Ở đây tôi chỉ kể riêng về cô em Nữ Hiiếu:
Điều làm tôi nhớ nhất là khi tôi sắp lấy chồng, tôi đến thưa chuyện với mẹ Hiếu (bố Hiếu thường đi làm về muộn lắm, có khi lại đi công tác xa nữa), bà hỏi tôi: "con có cần gì mẹ giúp không? Có cần vải may chăn không? có cần bánh kẹo không?”. Tôi ngập ngừng chưa dám trả lời, bà nói luôn : “Thôi để mẹ mua cho mấy thứ”. Thế là bà vào cửa hàng Giao Tế mua ngay cho tôi một chiếc vỏ chăn rất đẹp. Chắc là bà biết tôi làm ở Xí Nghiệp Bánh Kẹo nên không mua bánh kẹo nữa.  
Chúng ta ai cũng nhớ cái năm 1967 ấy khó khăn lắm, để chuẩn bị cho một đám cưới cái gì cũng phải tem phiếu. Muốn may môt cái vỏ chăn phaỉ tốn 10 mét vải, trong khi đó cán bộ chỉ được phát phiếu có 5 mét mỗi năm thôi. Tôi không quên được hình ảnh của bà, một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình quý phái giầu có như thế mà lại chu đáo, chăm chút các con tỷ mỉ đến vậy, kể cả con nuôi nữa. Bà lúc nào cũng dịu dàng cởi mở khiến tôi chẳng e dè gì cả, hay tâm sự với bà như với mẹ mình. Thật tiếc khi bà mất, tôi đang ở xa không về tiễn đưa bà tới nơi an nghỉ cuối cùng được. Tôi thấy ái ngại, cứ hẹn với Hiếu là khi nào đi thăm mộ mẹ nhớ cho chị đi cùng mà mãi chưa thực hiện được!

Đấy là nói về tình cảm của các bậc cha mẹ, còn chúng tôi thì sao? Hiếu là một người chu đáo giống như mẹ. Gia đình tôi có việc gì liên quan đến bác sỹ là Hiếu có mặt. Nhớ khi mẹ chồng tôi bị tai biến, nghe tôi gọi, Hiếu đến ngay, mặc dầu hôm đó trời mưa to gió lớn. Kể cả hôm bà mẹ hai của tôi mất, tôi cũng gọi cho Hiếu nhờ đưa bà vào nhà lạnh của bệnh viện 108 là Hiếu thực hiện ngay. Đến khi tôi bị co thắt động mạch vành phải đi nong, Hiếu liền bảo với cháu Lân Hiếu (con trai của Hiếu) phải kiểm tra cho tôi thật cẩn thận. Khi có quyết định mổ thì đúng dịp cháu Hiếu sắp phải đi công tác nước ngoài, Hiếu còn nói: ”Con  hoãn hoặc đổi lại để chữa cho bác cẩn thận, chẳng may có gì xảy ra, mẹ không biết nói thế nào với bác trai và các anh chị bên nhà đâu!”. Câu nói đó của Hiếu, mỗi khi tôi kể lại với bạn bè là nước mắt lại ứa ra! Cảm động vì Hiếu coi tôi như người chị ruột thịt của mình. Vừa rồi tôi bị đi mổ nạo gai khớp gối, Hiếu đưa cho tôi một chiếc nạng, sau đó lại đưa chiếc thứ hai. Tôi định đi mua đôi khác để trả cho Hiếu, Hiếu nói ngay: "Chị cứ dùng đi em không dùng đến nữa, mua làm gì! Khi nào em cần sẽ mua sau cũng được”. Chồng tôi và các con tôi rất tôn trọng tình cảm đó nên hội Quế Lâm đến nhà, mọi người đều rất nhiệt tình.

Không phải chỉ riêng đối với tôi Hiếu ân cần như vậy mà với tất cả chúng ta, bất cứ ai cần sự giúp đỡ đều được Hiếu sẵn sàng như Phạm Quốc Anh ở khối 6, Đỗ thế Hùng ở khối 3, Thái Dũng và nhiều bạn khác nữa.
Tôi kể câu chuyện này ra để chúng ta cùng tự hào về những người bạn Quế Lâm đã đem những tình cảm chân thành của bản thân mình truyền sang cho các thành viên trong gia đình, khiến những người đó cũng yêu quý chúng ta như người thân.
Còn gì vui sướng hơn chúng ta là một đại gia đình không thể thiếu nhau!
Lệ Thủy